Học Nói Vừa Đủ Nghe
Khi nói chuyện với người khác, bạn nhất định phải chú ý kiểm soát cao độ của giọng nói, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của bạn.
Trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như trên đường đông người qua lại hay trong các công xưởng có máy móc hoạt động, bạn không thể không nói to, nhưng bình thường thì bạn không cần thiết phải nói to. Hãy thử tưởng tượng, trong một quán cà phê yên tĩnh hay trong không gian công viên tĩnh lặng, chắc chắn không nên nói quá to.
Có một số người để thu hút sự chú ý của người khác, khi nói chuyện thường cố ý nâng cao độ giọng nói. Thực tế, tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ hoàn toàn không liên quan tới âm lượng to nhỏ của lời nói. Nói to không có nghĩa bạn sẽ thuyết phục được người khác, mà ngược lại, nó còn khiến người khác ghét giọng nói, thậm chí ghét chính con người bạn. Giọng nói to nhỏ cũng giống như âm điệu cao thấp, cũng có những phạm vi nhất định. Bạn hãy nói thử và tự bản thân xác định xem âm lượng như thế nào sẽ khiến người nghe thấy dễ chịu và dễ chấp nhận nhất.
Ly Ly là ứng cử viên sáng giá cho chức Giám đốc của một công ty quảng cáo, cô ấy rất quan tâm tới vấn đề tiếp thị khách hàng và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác giải quyết rắc rối, thế nhưng giọng nói của Ly Ly lại rất khó nghe - Giọng mỏng đanh giống như tiếng hét của một bé gái. Ông chủ của Ly Ly nói: “Tôi rất muốn nâng đỡ cô ấy, nhưng giọng nói của cô ấy thực sự không thể chấp nhận nổi, nó khiến người đối diện cảm thấy cô ấy không chân thành. Tôi bắt buộc phải tìm một người khác có giọng nói hay hơn đảm nhận chức vụ này”.
Rõ ràng Ly Ly đã bị mất đi cơ hội thăng tiến do âm lượng giọng nói không phù hợp của mình. Nếu như khi nói chuện, Ly Ly có thể kiểm soát cao độ giọng cho phù hợp với tình hình thực tế thì cô ấy đã thành công.
Vậy làm thế nào để có được giọng nói dễ nghe ? Câu trả lời là bạn cần phải luyện tập.
Bước thứ nhất là luyện hơi. Hơi là động lực để con người phát ra tiếng nói. Hơi mạnh hay yếu có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng phát âm. Do đó, muốn có giọng nói hay, trước tiên cần phải luyện hơi.
Luyện hơi bao gồm hít vào và thở ra.
Hít vào: khi hít thở, cần phải hít vào thật sâu, hóp bụng và hít khí vào căng lồng ngực. Nhưng cần phải chú ý, khi hít vào không được nâng vai lên.
Thở ra: thở ra thật chậm, dần dần đẩy khí vừa hít vào cơ thể ra ngoài. Khi thở ra hai hàm răng khép lại, để không khí từ từ thoát ra qua các kẽ răng, phải thở ra thật chậm và lâu mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất.
Khi luyện tập hít thở, phải thật kiên trì để có được kết quả tốt.
Bước thứ 2 là luyện thanh. Truốc khi luyện thanh, đầu tiên phải thả lỏng thanh đới, khởi động bằng những âm nhỏ nhẹ, êm ái. Lúc mới bắt đầu tập, tuyệt đối không được hét to ngay, bởi như vậy sẽ làm hỏng hoặc khiến dây thanh bị tổn thương. Các ca sĩ hay diễn viên kịch khi luyện thanh thường bắt đầu dần dần từng bước từ thấp đến cao.
Sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị cho dây thanh, tiếp theo sẽ chuẩn bị cho miệng. Không thể coi nhẹ tác dụng của miệng, một người có giọng nói hay hay không, phụ thuộc rất nhiều vào miệng. Sau đây là một số bài tập cơ bản:
1. Hoạt động cơ mặt bằng cách há ngậm miệng, đây là bước chuẩn bị cho hoạt động cơ mặt trong quá trình luyện thanh.
2. Luyện mũi và vòm họng, có thể thực hiện bằng cách bắt chuốc tiếng vịt kêu. Thế nhưng khi nói chuyện, chúng ta phải chú ý, không nên liên tục sử dụng giọng mũi, bởi nó rất dễ gây phản cảm.
3. Luyện nhả chữ. Mới nghe thì nhả chữ và phát âm có vẻ không liên quan với nhau, nhưng thực tế chúng có mối quan hệ rất mật thiết. Bởi muốn nói tròn vành rõ chữ, thì nhất định phải nhả chữ rõ ràng, tròn trịa.
Những phương pháp trên có thể giúp bạn luyện giọng. Nhưng khi luyện tập cần chú ý, buổi sáng mới ngủ dậy không nên luyện ngoài trời bởi có thể làm tổn thương dây thanh. Đặc biệt là khi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch quá cao, không khí lạnh đột ngột sẽ ảnh hưởng không tốt tới dây thanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét